Lập Facebook chữa bệnh cho trẻ em.

Lập Facebook chữa bệnh cho trẻ em.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgsVZbIjIF_n0FTfkhzYqa8YgCoNGE_PDXzYUy68MsOC0_M0Y4CRgmW3ISBy4codTI0jcGUpHnVVXBtmCL3Nu1h_87ONbmj2MlZM5x6sEbwmpnN__SQ-dJEEuciwo50tzYz_qopXPXxYORw/s72-c/thuoc-vietnam-bs-benh-vien-nhi_huu_khanh.jpg
Làm Facebook cho mình chẳng có gì lạ, nhưng làm Facebook để trước mắt tư vấn sức khoẻ trẻ em rồi lâu dài nâng cao kiến thức y khoa cho cộng đồng – không mang tính thương mại hay quảng cáo, lại là điều mà một bác sĩ chuyên ngành nhi nhiễm đang hướng đến.

Bác sĩ Khanh (bìa phải) trong một lần chống dịch tay chân miệng ngoài cộng đồng. Ảnh: Hồng Thái.

Tư vấn sức khoẻ online

Cứ tưởng chia tay với “phòng mạch 15.000 đồng” sau 25 năm “cày cuốc”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, sẽ nghỉ ngơi một thời gian, nào ngờ đùng một cái ông mở tài khoản Facebook “Hỏi bác sĩ nhi đồng”.
Cái tên nghe ngộ và còn ngộ hơn khi mục tiêu của trang Fanpage này ghi rõ bằng một phong cách chẳng nhầm vào đâu của chủ nhân: “Mục tiêu của trang này là thử giúp giải quyết phần nào các thắc mắc về bệnh con nít. Hy vọng chạy được thì chạy tiếp nếu không thì ngừng hé”. Tuần đầu mở face, ông khoe có hơn 2.000 người “like” và phạm vi tiếp cận của bài viết hơn 40.000 người. Ông nói: “Người ta gửi câu hỏi nhiều quá, phát ngộp luôn!” Nhưng ngộp không chỉ về số lượng mà còn ở chỗ người tham gia hỏi đủ chuyện của nhi khoa, từ dinh dưỡng, chích ngừa, bệnh hô hấp, bệnh tiêu hoá cho đến tai mũi họng, răng hàm mặt, tâm lý… “Nếu có lĩnh vực nào không rành, ông làm gì?”, tôi hỏi. Bác sĩ Khanh trả lời: “Thì đọc sách nghiên cứu hay hỏi đồng nghiệp lĩnh vực khác. Thật ra làm cái này tôi được lợi nhiều lắm, phải đọc sách lại và cập nhật kiến thức”.

Vào “Hỏi bác sĩ nhi đồng”, chủ yếu người ta gặp những câu hỏi tình huống: “Cứ đến ngày chích ngừa là cháu sụt sịt mũi vậy em phải làm gì?”, “Bé ngủ hay ra mồ hôi đầu, dù nằm máy lạnh. Có phải bé thiếu chất gì không?” Nhưng cũng có những câu hỏi lạ: “Con em mười tháng tuổi có ăn được tổ yến hay không?” Câu hỏi mang tính cá nhân, nhưng người đọc quan tâm vì ngày nào đó có thể mình cũng rơi vào tình huống tương tự.

Cũng có khi chủ nhân face chia sẻ những chuyện đơn giản, nhưng thiết thực, mà không ít phụ huynh có thể quên như xổ giun, chăm sóc răng sữa: “Theo tổ chức Y tế thế giới, thuốc xổ giun là thuốc thật sự thiết yếu trong nhi khoa”, “Chăm sóc răng sữa cũng quan trọng như chăm sóc răng vĩnh viễn vì ngoài chức năng ăn nhai, răng sữa có vai trò trong phát âm, giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc đúng, mọc đều, giúp phát triển khung xương hàm. Răng sữa nhiễm trùng cũng có thể gây nhiễm trùng nặng mô quanh răng”.

Làm chuyện có ích

Ý tưởng nâng cao kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng được bác sĩ Trương Hữu Khanh và tôi chia sẻ cách đây ba năm trong một chuyến công tác xa. Ông đồng tình: “Ngày nào nghỉ phòng mạch, tôi sẽ bắt tay vào làm”.

Giao diện của Fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng. Ảnh: Người Đô Thị Online

Nhưng làm không đơn giản vì ý tưởng thì có, nhưng cách làm và kinh nghiệm chẳng có gì. Mỗi ngày hàng chục câu hỏi, tin nhắn gửi về xin tư vấn, chưa kể có người còn gọi điện thoại hỏi trực tiếp. Một mình loay hoay làm quá cực, may có người giúp ông, nhưng một người… hoàn toàn xa lạ!

Ông chia sẻ: “Một bà mẹ trẻ quen trên face làm ở ngân hàng nhắn tin tình nguyện giúp tôi, tôi đồng ý ngay vì một mình làm không xuể mà tôi cũng chẳng rành các chức năng của face”.

Trò chuyện trên face với bà mẹ trẻ này, tôi hỏi: “Em có biết bác sĩ Khanh ngoài đời không?” Cô nói: “Em chỉ biết bác qua báo chí, thấy bác là người có tâm, nên em tình nguyện giúp. Mỗi ngày em tổng hợp câu hỏi, biên tập gọn, rồi chuyển cho bác. Nếu là người mẹ, anh sẽ hiểu một page về sức khoẻ nhi của một bác sĩ uy tín như vậy là đáng quý dường nào”.

Tuần qua thời tiết nóng bức, chủ nhân đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh khi chăm con, chủ đề hút được 250 like và 40 lượt chia sẻ. Nhưng có những giá trị ít ai ngờ. Bác sĩ Khanh nói: “Một người ở Tây Nguyên đã nhắn tin cảm ơn tôi. Đơn giản vì bà ở vùng sâu, không có bác sĩ, may có đường truyền internet nên vào face hỏi thăm, tôi tư vấn kịp thời nên con bà khỏi bệnh”.

Trò chuyện với bác sĩ Khanh cuối tuần qua, ông tâm sự: “Người dân còn thiếu kiến thức y khoa nhiều lắm, giúp cho họ được gì thì mình làm thôi”. Cứu chữa những ca bệnh phức tạp trong bốn bức tường bệnh viện là chuyện đáng quý với mọi thầy thuốc. Nhưng một khi thầy thuốc biết bước ra bên ngoài, sống với những lo lắng của cộng đồng, chia sẻ kiến thức giúp họ chủ động phòng tránh bệnh tật, xem ra còn đáng quý hơn.

Dự án nhà vệ sinh cho trường học vùng sâu

Tốt nghiệp Đại học Y năm 1988, BS Trương Hữu Khanh về công tác tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM và giữ cương vị trưởng khoa từ năm 1996 đến nay. Làm nhi nhiễm gần cả đời, nên BS Khanh nhìn ra những chuyện ít ai ngờ đến. Có lần ông nói với tôi: “Với số tiền dành dụm và quyên góp từ cộng đồng, tôi mơ ước xây nhà vệ sinh cho trường học vùng sâu vùng xa”. “Tại sao là nhà vệ sinh?”, tôi hỏi. “Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh mắc bệnh nhiễm trùng khi tới lui những nhà vệ sinh xuống cấp. Thậm chí có trẻ đi học mà không dám vào nhà vệ sinh vì chúng quá dơ. Sức khoẻ trẻ em cần được bảo vệ bằng những chuyện đơn giản như thế, chứ không hẳn chuyện cao xa”, ông nói.

Related product you might see:

Share this product :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Thuốc Việt Nam - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger